Mặc dù vậy,  trong quá trình thực hiện chương trình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các bản ở vùng sâu, vùng xa, còn tồn tại nhiều thói quen lạc hậu  ảnh hưởng đến mục tiêu của chương trình.

          Từ năm 2016, Điện Biên là 1 trong số 21 tỉnh được thụ hưởng chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng thế giới nhằm mục tiêu tăng cường hoạt động truyền thông thay đổi hành vi của người dân. Trong đó, các hoạt động được triển khai đồng bộ từ tuyến tỉnh đến huyện, xã thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, truyền thông bằng nhiều hình thức qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Tổ chức được hơn 710 cuộc họp thôn, bản chuyên đề về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại 355 thôn, bản của 23 xã thực hiện chương trình năm 2019. Tập trung vào các nội dung tuyên truyền, vận động người dân làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể của xã và đội ngũ chuyên trách đã thực hiện chương trình hiệu quả và là xã điển hình đạt tỷ lệ hộ dân toàn xã sử dụng công trình vệ sinh trên 80%.  Góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều này, ngoài việc tranh thủ nguồn tài trợ từ chương trình thì xã đã luôn chủ động đẩy mạch công tác tuyên truyền, vận động đối với người dân cần đổi mới tập quán sản xuất, nếp sinh hoạt, hướng dẫn người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình. Đến này, nhiều hộ gia đình đã chủ động trong việc thực hiện xây dựng các công trình vệ sinh và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại khu vực sinh sống.

Việc nhiều người dân ngày càng được tiếp cận các phương pháp xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, cho thấy sự vào cuộc tích cực của các đơn vị triển khai chương trình, đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông thay đổi hành vi của người dân trên địa bàn tỉnh. Đây là những hiệu quả đáng ghi nhận của việc thực hiện triển khai chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới tỉnh Điện Biên năm 2019. Mặc dù vậy, Công tác vệ sinh môi trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung nhiều dân tộc thiểu số, do tập quán sinh hoạt đã trở thành thói quen, việc tiếp cận thông tin của bà con còn hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và hướng tới mục tiêu đạt vệ sinh toàn xã.