Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong quá trình khám chữa bệnh cũng như các hoạt động hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân và người sử dụng dịch vụ y tế và các hoạt động chuyên môn y tế đều làm phát sinh rác thải nhựa như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, vật liệu, đồ dùng trong y tế. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt, phòng, chữa bệnh. Xuất phát từ tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như bơm kim tiêm dùng 1 lần, dụng cụ thiết bị dùng 1 lần trong phẫu thuật, xét nghiệm như găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm.., đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Mỗi ngày, tại bệnh viện có hàng trăm lượt bệnh nhân khám và chữa bệnh, vì thế, lượng rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng là rất lớn. Theo thống kê năm 2020, mỗi ngày có trung bình 795 kg rác, trong đó có 240 kg là chất thải y tế nguy hại.

Từ thực tế đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xác định công tác bảo vệ môi trường là quan trọng và nhìn nhận đây là một việc làm song hành cùng với công tác khám và điều trị bệnh. Toàn bộ hệ thống khuôn viên, cây xanh bệnh viện được chăm sóc, chỉnh trang, cắt tỉa định kỳ, bố trí nhiều thùng thu gom rác để tạo môi trường cảnh quan bệnh viện Xanh- Sạch- Đẹp. Thùng rác thông minh được đặt ngay tại hành lang khoa phòng Bệnh viện để khuyến khích người nhà và bệnh nhân phân loại chất thải có khả năng tái chế và chất thải dễ phân hủy để giảm thiểu chất thải ngay từ đầu. Thực hiện cam kết nói không với rác thải nhựa mà Bộ Y tế phát động, bệnh viện đã chủ động tuyên truyền và hành động. Trong các cuộc họp từ lâu không còn bóng dáng chai nhựa mà được thay thế bằng cốc sành, sứ, thủy tinh. Bệnh viện cũng triển khai các giải pháp như giảm thiểu phát sinh chất thải, hạn chế các hoạt động xả thải không cần thiết; tái sử dụng chất thải có thể cho mục đích khác; tận thu gom các chất thải không nguy hại ở dạng vật liệu có thể cho tái chế lẫn trong rác sinh hoạt. Vận động cán bộ nhân viên không sử dụng nước uống đóng chai nhựa sử dụng một lần tại bệnh viện. Trang bị các vật liệu bằng nhựa tại bệnh viện như thùng đựng rác thải y tế, các vật liệu nhựa khác bằng chất liệu nhựa thân thiện với môi trường (PE, PP…). Các can nhựa đựng cồn, các bình đựng hóa chất rửa tay được tái sử dụng nhiều lần. Đầu tư các bình lọc nước tại các khoa phòng để hạn chế sử dụng và làm phát sinh các chai nhựa đựng nước. Bệnh viện phục vụ xuất ăn cho cán bộ, y bác sĩ, bệnh nhân bằng các khay đựng thức ăn, dụng cụ đựng thức ăn bằng inox… nhằm hạn chế đem thức ăn bằng hộp xốp, túi nilon khó phân hủy đến bệnh viện.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện hiệu quả việc phân loại rác thải

 

Theo Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Đoàn Văn Dụ: Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, và các các đối tượng khác đều được tuyên truyền truyền, truyền thông về việc giảm thiểu rác thải nhựa. Một trong những việc làm giảm thiểu rác thải nhựa tốt nhất là việc phân loại đúng rác thải ngay từ ban đầu…. Rác thải nhựa hiện tại được chia làm nhiều loại khác nhau. Với chất thải nhựa phát sinh ra từ người nhà người bệnh không có dính máu trực tiếp tức là nằm trong chất thải tái chế thông thường thì phân loại vào trong thùng màu trắng. Lượng chất thải lấy từ các khoa phòng trung tâm được phân loại và thu gom trong khung giờ nhất định, sáng từ 9h, chiều từ 16h. Bệnh viện đang thuê 30 công nhân từ công ty ICT thực hiện vệ sinh tất cả các nội ngoại phòng, mặt sàn. Đồng thời họ sẽ phân loại rác ngay từ ngoại cảnh vào đến nội phòng. Vì bên ngoài ngoại phòng bao giờ cũng phát sinh rất nhiều rác thải nhựa từ những lon cô ca, các chai nước uống, các chất thải nhựa khác. Cứ cách 30m lại có một thùng đựng rác thải đặt ngay ngoại cảnh để tránh vứt rác ra môi trường. Hiện tại, nhựa sạch không có dính máu thì có thể được thu gom tập trung và tái chế. Còn những loại nhựa có dính máu, có nghi ngờ nhiễm mầm bệnh thì được phân loại vào các thùng, túi màu vàng và được đốt ngay dưới nhiệt độ 800 đến 1200 độ.

Ghi nhận tại khu vực tái chế rác thải: rác sau khi thu gom được phân loại riêng theo từng khu vực, từng ô, từng ngăn rất gọn gàng dù lượng rác thải rất lớn. Bệnh viện cũng có bể  xử lý nước thải hoạt động cả ngày lẫn đêm. Lượng nước sau khi được xử lý đảm bảo sạch theo tiêu chuẩn để thải ra ngoài môi trường và tận dụng để tưới vườn rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả. Càng góp phần làm đẹp mỹ quan bệnh viện. Với nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động giảm thải rác thải nhựa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thời gian qua, đã góp phần vào việc xây dựng hình ảnh một bệnh viện sạch, đẹp, thân thiện. Qua đó cũng góp phần vào việc giảm ảnh hưởng tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường sống.

                                                                                        Bài và ảnh: Hải Hậu - CDC Điện Biên