Kháng thuốc kháng sinh là nói đến khả năng của vi khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh dạng vi khuẩn khác kháng lại hiệu quả của thuốc kháng sinh. Kháng thuốc kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thay đổi theo một cách mới để làm giảm hoặc loại bỏ hiệu quả của thuốc, hóa chất, hoặc các tác nhân khác được dùng cho việc chữa bệnh hoặc ngăn ngừa viêm nhiễm. Một khi kháng thuốc, virút, vi khuẩn không chết mà vẫn tồn tại và tiếp tục nhân lên, gây ra nhiều tác hại khác. Kháng thuốc kháng sinh là một vấn đề nan giải, hiện đang là mối quan tâm của cộng đồng bởi nó gây ra những dòng khuẩn khỏe hơn, nguy hiểm hơn làm cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn, khó chữa trị hơn và gây tốn kém, đặc biệt là cho người già, trẻ em và những người có sức khỏe hệ miễn dịch yếu làm tăng rủi ro khuyết tật, tử vong. Đây là tình trạng xảy ra một loại vi sinh vật tiến hóa để đề kháng mạnh hơn hoặc hoàn toàn với thuốc kháng sinh và trước đó có thể chữa trị được. Sự đề kháng phát sinh thông qua một trong 3 cách đó là: đề kháng tự nhiên trong một số loại vi khuẩn, gen đột biến hoặc bởi một loài có được sức đề kháng từ một loài khác. Kháng thể xuất hiện một cách tự nhiên, do sự tích tụ dần dần theo thời gian và lạm dụng thuốc kháng sinh. Vi khuẩn kháng được nhiều loại thuốc kháng sinh được gọi là đa kháng.

Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật tại Hoa Kỳ đã xác định được 18 loại vi trùng và nấm kháng thuốc kháng sinh và hiện đang đe dọa đến sức khỏe công cộng. Hiện tượng kháng kháng sinh có thể xảy ra theo một trong những cơ chế sau: Làm thay đổi mục tiêu tác động của thuốc trên vi khuẩn. Chẳng hạn như làm thay đổi tính chất của vi khuẩn mà thuốc sẽ bám vào để tác động. Vô hiệu hóa thuốc bằng enzim beeta lactamase. Làm giảm độ thẩm thấu của màng tế bào vi khuẩn nên thuốc không tác động được. Biểu hiện kháng kháng sinh là hiện tượng khi mầm bệnh hoặc vi khuẩn không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh, chúng vẫn tồn tại, sinh sản ra những thế hệ con cháu không có tính cảm ứng với 1 hay nhiều loại thuốc kháng sinh nào đó.

Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi thật sự cần thiết và phải do bác sĩ kê đơn

Kháng sinh là thuốc vô cùng quan trọng được sử dụng để chữa trị các bệnh nhiễm khuẩn. Nhưng việc lạm dụng và sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý đang làm gia tăng vấn đề. Những nguyên kháng kháng sinh có thể kể đến như; Thiếu sót trong quy định về chuyên môn khám chữa bệnh: Nhiều bệnh truyền nhiễm chưa có đủ hướng dẫn chẩn đoán và chữa trị, hoặc đã có hướng dẫn nhưng chưa được cập nhật. Quy định sử dụng kháng sinh, làm kháng sinh đồ, xét nghiệm vi sinh chưa hoàn thiện, việc giám sát trong quá trình thực hiện tại các địa phương cũng chưa được thự hiện đầy đủ, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa; Nhận thức về thuốc kháng sinh còn hạn chế: Người dân có tự mua thuốc kháng sinh dễ dàng, chỗ nào cũng mua được dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi. Một bệnh lý không cần sử dụng thuốc kháng sinh những người dân vẫn sử dụng khiến cho vi khuẩn kháng thuốc; Sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý: Dùng quá liều, không đủ liều hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh cũng có thể gây ra tình trạng kháng thuốc, tạo điều kiện cho các vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện. Việc sử dụng kháng sinh để chữa trị bệnh không do nhiễm khuẩn gây ra, sử dụng kháng sinh không phù hợp với loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ra… cũng làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

Kháng thuốc kháng sinh gia tăng chủ yếu do lạm dụng kháng sinh quá mức, sử dụng kháng sinh sai và các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn không được thực hiện tốt. Để tình trạng kháng thuốc kháng sinh không trở nên nghiêm trọng hơn, cần thực hiện tốt các nguyên tắc sau đây: Kháng sinh chỉ có tác dụng trên vi khuẩn, không giúp điều trị các bệnh do virus như cúm, cảm lạnh thông thường. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi thật sự cần thiết và phải do bác sĩ kê đơn. Kể cả khi bệnh đã khỏi, cũng không được dừng sử dụng thuốc cho đến khi hết thời gian sử dụng mà bác sĩ yêu cầu. Không được tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc yêu cầu bác sĩ kê đơn kháng sinh khi không có chỉ định. Mỗi loại kháng sinh chỉ có tác dụng trên một số loại vi khuẩn nhất định, cần phải sử dụng kháng sinh phù hợp với chủng vi khuẩn gây bệnh. Không chia sẻ kháng sinh với người thân hoặc bạn bè. Dự phòng mắc bệnh nhiễm khuẩn bằng cách thường xuyên vệ sinh tay, ăn uống sạch sẽ, tránh tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh và tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

                                                                                      Bài và ảnh: Xuân Bảy - CDC Điện Biên