Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn cho cán bộ giáo viên huyện Tuần Giáo về phòng, chống tác hại của thuốc lá để giảng dạy tại các trường phổ thông

Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến nhất. Theo thống kê, số ca mắc mới ung thư phổi tại Việt Nam tăng nhanh qua các năm. Bệnh thường gặp ở nam giới. Tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới gấp 3 lần ở nữ giới. Cứ 100.000 người dân Việt Nam thì có 36 nam giới và 12 nữ giới được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Ung thư phổi có mối liên hệ mật thiết với những người có tiền sử hút thuốc lá, cũng như có sử dụng thuốc lá mỗi ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có xu hướng gia tăng ở nữ giới và người không hút thuốc lá. Việt Nam đang phải đối  mặt với gánh nặng to lớn về kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá gây ra hơn 40.000 ca tử vong sớm và chi phí điều trị và mất năng suất lao động do thuốc lá gây ra ước tính lên tới khoảng 1 tỷ USD/năm”. Bệnh Ung thư phổi thường diễn biến âm thầm lặng lẽ theo thời gian, người bệnh thường không biết là mình mắc bệnh và chủ quan không đi khám nên khi phát bệnh thì thường ở giai đoạn muộn. Các dấu hiệu của bệnh gồm: Giai đoạn sớm thường có triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. Khi bệnh phát triển, thường có các triệu chứng như: Đau ngực, đau dai dẳng, cố định ở một vị trí. Ho kéo dài, ngày càng nặng hơn, có thể có máu. Khó thở khi khối u to, chèn ép, nói khàn…. Nên rất dễ chuẩn đoán nhầm với một số bệnh thông thường khác như: Viêm hong, Viêm thanh quản, Viêm phổi. Ở hầu hết các bệnh nhân ung thư, kết quả điều trị tốt nhất khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nguy cơ mắc ung thư phổi cũng cao hơn ở những người thường xuyên hít phải khói thuốc lá thụ động (tức là những người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc lá). Theo thống kê, người không hút thuốc lá khi tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng đồng thời hít phải các hợp chất gây ung thư, gây tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20-30%. Thuốc lá điện tử hay thuốc lá không khói cũng đã được chứng minh có chứa các chất gây ung thư và liên quan đến nhiều bệnh lý đường hô hấp khác. Ngoài ra những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại trong quá trình làm việc như  khai thác than, luyện thép, môi trường sống bị ô nhiễm, tiếp xúc với tia phóng xạ…. Vì vậy, việc xây dựng môi trường sống trong lành không có khói thuốc rất quan trọng. Hiện nay chưa có thuốc hay Vắc xin ngăn ngừa Ung thư phổi.  Để phòng tránh bệnh ung thư phổi, cần bỏ thuốc lá bởi lẽ thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi và trên 30% gây ra các loại ung thư khác; hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác. Mỗi người cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó hàm lượng đạm, mỡ hợp lý, tăng cường rau xanh, trái cây. Thường xuyên rèn luyện, tăng cường sức khoẻ để nâng cao sức để kháng, phòng chống bệnh tật. Mỗi người phải có thói quen khám sức khoẻ định kỳ ít nhất  6 tháng đến 1 năm một lần để phát hiện ra bệnh sớm và điều trị kịp thời. Với những người có tiền sử hút thuốc lá, sau 40 tuổi, sau 50 tuổi cần đi khám tầm soát ung thư phổi nói riêng, các bệnh ung thư khác nói chung. Theo thống kê, có đến 75% người bệnh phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ điều trị khỏi bệnh thấp. Trong khi đó, những người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm có tỷ lệ sống thêm 5 năm lên đến 65-90%. Người hút thuốc có khả năng mắc ung thư phổi cao gấp 15-30 lần so với người không hút. Ngoài ra, khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động, người không hút cũng hít phải các hợp chất gây ung thư, gây tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20-30%. Do vậy, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đối với các loại thuốc điều trị ung thư phổi, phần lớn hiện nay đã được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên các thuốc mới và đắt tiền vẫn là rào cản đối với bệnh nhân, vì thu nhập của người bệnh tại Việt Nam chưa được cao. Muốn phát hiện sớm ung thư phổi phải có chương trình tầm soát mà hiện nay các kỹ thuật cao, xét nghiệm chuyên sâu thường chỉ tập trung ở những thành phố lớn. Và ở thời điểm hiện tại, bảo hiểm y tế vẫn chưa chi trả cho việc tầm soát các loại ung thư. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc phòng ngừa bệnh ung thư phổi bằng cách bỏ hút thuốc lá và có lối sống lành mạnh luôn là việc quan trọng hơn chữa bệnh

Hút thuốc vừa có hại cho bản thân lại vừa có hại cho người khác, những người đang hút thuốc hãy suy nghĩ và hành động từ bỏ thuốc lá truyền thống cũng như các loại thuốc lá điện tử vì trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Riêng những người không hút thuốc thì hãy chủ động, mạnh dạn bày tỏ ý kiến đối với người hút thuốc trước mặt mình. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, các biện pháp cai nghiện thuốc lá và các tác hại của thuốc lá mang lại… đặc biệt là thanh thiếu niên trong cộng đồng. Qua đó, mỗi người đã góp một phần vào việc xây dựng một môi trường trong lành không khói thuốc độc hại, thể hiện được trách nhiệm đối với việc bảo vệ sức khỏe cho thế hệ con cháu mai sau./.

Hải Hậu - CDC Điện Biên