Biểu hiện của bệnh Than trên cơ thể người bệnh tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên

Nguyên nhân gây bệnh Than do vi khuẩn Bacillus anthracis. Có khả năng sinh bào tử hay còn gọi nha bào là tác nhân chính dẫn đến bệnh than. Bào tử của vi khuẩn Bacillus anthracis tồn tại rất lâu và có sức sống rất cao trong môi trường tự nhiên, có khả năng chịu nhiệt và đề kháng với một số hóa chất khử trùng. Con người tiếp xúc với động vật, những sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh, những vết thương, sự hít phải vi khuẩn gây bệnh sẽ gây nên bệnh than.

Có 3 thể bệnh than tương ứng với 3 con đường lây nhiễm chính:

Bệnh Than nhiễm qua vết thương hở trên da là thể bệnh phổ biến nhất (chiếm 94-95%), và cũng ít nguy hiểm. Khi chúng ta tiếp xúc với động vật bị bệnh và các chất thải của chúng, hoặc trực tiếp làm thịt những động vật bị chết do bệnh than thì bào tử vi khuẩn than có thể thâm nhập vào cơ thể người thông qua những vết xước hoặc các vết thương hở trên da.

Bệnh Than nhiễm qua đường tiêu hóa: Có khoảng 0,5-0,7% bệnh nhân mắc bệnh than gặp phải thể bệnh này. Nếu bạn ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ những gia súc mắc bệnh than thì nguy cơ lây nhiễm bệnh than qua đường tiêu hóa là rất cao.

Bệnh Than nhiễm qua đường hô hấp: Đây chính là thể bệnh hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời.

Các biểu hiện thường thấy của bệnh Than

Thể bệnh lây nhiễm qua da: Một số vết rộp và u nhỏ có thể gây ngứa; Sưng vùng xung quanh vết thương; Vết thương có thể không đau, loét, tâm đen xuất hiện sau vết rộp và u nhỏ, vị trí ở mặt, cổ, cánh tay, bàn tay.

Thể bệnh đường hô hấp: Sốt, ớn lạnh; Khó chịu vùng ngực, khó thở; Chóng mặt, Ho; Buồn nôn, nôn; Đau đầu, Đau bụng, Toát mồ hôi; Đau nhức toàn thân, Đau nhức cơ.

Thể bệnh đường tiêu hóa. Do ăn phải những thức ăn, thịt động vật bị nhiễm vi khuẩn, thường có các dấu hiệu sau: Sốt, ớn lạnh; Sưng cổ, nổi hạch vùng cổ; Đau họng, nuốt có cảm giác đau; Khàn giọng; Buồn nôn, nôn, nôn ra máu; Đau bụng; Tiêu chảy, tiêu chảy có máu; Đau đầu; Đỏ mặt.

Để chủ động phòng tránh bệnh Than, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Bệnh lây trực tiếp từ gia súc bị bệnh sang người, do vậy biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh; Khi gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy và chôn xa nơi ở theo hướng dẫn của ngành thú y; Những người thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi hoặc xác súc vật bị ốm chết không rõ nguyên nhân nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay; tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc. Sau khi tiếp xúc với vật nuôi phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra bằng xà phòng dưới vòi nước; Những nơi có ổ bệnh xảy ra, cần triển khai phun hóa chất xử lý môi trường, xử lý chất thải của gia súc và chất thải người bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành thú y và y tế. Đặc biệt, khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, phải kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chăm sóc và điều trị.

Xuân Bảy – CDC Điện Biên