Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu là do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Bệnh khởi phát sau 2 đến 5 ngày nhiễm bệnh: Người bệnh cảm giác đau họng và khàn giọng; Xuất hiện giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu; Sưng hạch bạch huyết ở cổ; Cảm thấy khó thở hoặc thở nhanh; chảy nước mũi; sốt, ớn lạnh và khó chịu.

Bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp do hít phải giọt bắn chứa mầm bệnh khi tiếp xúc gần với người bệnh. Vì thế bạch hầu sẽ lây lan nhanh chóng, đặc biệt ở những nơi đông người; Qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh: Sử dụng những vật dụng mà người nhiễm bệnh đã dùng: cốc uống nước, giấy ăn… đều có thể bị lây nhiễm bạch hầu; Đồ gia dụng bị nhiễm bệnh: lây nhiễm bệnh bạch hầu thông qua các vật dụng dùng chung trong gia đình: khăn, đồ chơi, tay nắm cửa.

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu: Trẻ em và người lớn không được tiêm vắc xin bạch hầu; Những người sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh; Đi du lịch đến một khu vực đang có dịch bệnh bệnh bạch hầu…

​Tuy bạch hầu là một bệnh nguy hiểm nhưng nếu thực hiện các biện pháp đề phòng thì tỉ lệ mắc bệnh cũng sẽ hạn chế: Cần tiêm vaccine phòng bệnh Bạch hầu đầy đủ và đúng lịch, nhất là trẻ em; Nên thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng; Nên che miệng khi ho, hắt hơi; Giữ vệ sinh cơ thể; Vệ sinh mũi, họng hàng ngày; Nên hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Nhà ở, lớp học cần thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Cần vệ sinh thường xuyên sàn nhà, đồ chơi, tay vịn cầu thang để tiêu diệt vi khuẩn; Khăn lau tay, khăn mặt trẻ em cần được giặt sạch, sát trùng; Khi có những triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ phải được cách ly và đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Xuân Bảy - CDC Điện Biên