Thủy tinh thể là thấu kính trong suốt nằm phía trong mắt, nó tập trung các tia sáng đi vào trong võng mạc để tạo thành hình ảnh sắc nét rõ ràng như thấu kính của máy ảnh tập trung hình ảnh vào phim. Đục thủy tinh thể là hiện tượng thủy tinh thể kém trong suốt ngăn cản không cho tia sáng lọt qua khiến võng mạc không thu được hình ảnh và làm suy giảm thị lực. Nguy cơ gây đục thủy tinh thể có thể do tuổi tác, di truyền, môi trường, tia tử ngoại, biến chứng của đái tháo đường, viêm nhiễm ở mắt, thuốc lá, rượu,…Ở người cao tuổi, sự lão hóa xảy ra ở tất cả các bộ phận trên cơ thể, không ngoại trừ đôi mắt. Mắt bị lão hóa, thủy tinh thể bị ảnh hưởng do sự lão hóa sớm nhất.
Quá trình đục thủy tinh thể diễn ra âm ỉ, kéo dài và thường không nhận biết được vào giai đoạn đầu, chỉ được phát hiện khi khám định kỳ hoặc gặp phải những rắc rối về thị giác như: giảm dần thị lực cả nhìn gần lẫn nhìn xa và không điều chỉnh được bằng kính; lóa sáng thường vào ban đêm, mắt nhạy cảm với ánh sáng nhưng không đau, có thể thấy những quầng sáng xung quanh bóng đèn và thấy hai hình khi nhìn bằng một mắt; rối loạn màu sắc diễn ra rất từ từ, đến lúc nhất định sẽ khó phân biệt được màu xanh dương và màu tím. Đục thủy tinh thể thường không gây đau, không gây đỏ mắt, không gây kích thích tại mắt và không gây các tổn thương bên ngoài nhãn cầu. Đục thủy tinh thể gây giảm thị lực dần dần, người bệnh thấy mắt bị mờ dần, không đau nhức, không đỏ. Đến khi mờ nhiều, đồng tử trong mắt sẽ đổi màu, có thể màu trắng hoặc đen nâu.
Siêu âm nhãn cầu là phương pháp hữu ích trong việc chẩn đoán và xác định nguyên nhân các bệnh về mắt. Ảnh Đức Cường
Bệnh đục thủy tinh thể thường tiến triển chậm, không gây đau đớn, người bệnh sẽ khó nhận thấy dấu hiệu trong tầm nhìn ở giai đoạn đầu. Khi đục thủy tinh thể trở nên nặng hơn, bạn có thể thấy xuất hiện các dấu hiệu như: mắt nhìn mờ, khó nhìn, nhanh mỏi mắt khi tập trung xem tivi hoặc đọc sách báo, tăng nhạy cảm với ánh sáng, lóe sáng, quáng gà, nơi râm mát nhìn rõ hơn ngoài nắng, nhìn thấy nhòe, cảm giác có "hào quang" xung quanh, màn sương che phủ trước mắt, nhìn một vật thành hai (còn gọi song thị) hoặc ba hình ảnh khác.
Chính vì biểu hiện bệnh không rõ ràng nên khiến rất nhiều người chủ quan cho rằng thị lực giảm chỉ là dấu hiệu của tuổi già nên không đi khám và điều trị. Trong một số trường hợp, nếu đục thủy tinh thể để quá lâu không được điều trị có thể gây ra những biến chứng trầm trọng như viêm màng bồ đào, bệnh glôcôm... và có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Bệnh đục thủy tinh thể được điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả tốt nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo kết quả và đủ điều kiện để mổ. Điều quan trọng là phải biết phòng ngừa đục thủy tinh thể từ những nguyên nhân gây bệnh đã xác định được. Khám mắt thường xuyên có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất. Một trong những cách tốt nhất để phòng bệnh đục thủy tinh thể là có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành đục thủy tinh thể. Vậy nên, trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày, bạn cần ăn nhiều trái cây, rau để bổ sung đủ các loại vitamin và chất dinh dưỡng, đặc biệt là các dưỡng chất sau: Vitamin E bổ sung chất oxy hóa có nhiều trong dầu mè, trứng, khoai tây, cà chua…Vitamin A và các chất tiền Vitamin A (Beta caroten) có lợi cho sức khỏe của mắt có nhiều trong cà rốt, gấc, rau quả có màu xanh, đu đủ, cà chua…Selenium giúp thị lực giữ độ nhạy cảm, có nhiều trong cá, tôm, sò, hến, cà rốt, hành tây…Vitamin B2 giúp phòng tránh các triệu chứng chảy nước mắt, ngứa mắt, viêm bờ mi, viêm giác mạc. Đây là dưỡng chất đặc biệt quan trọng vì thiếu vitamin B2 sẽ khiến quá trình đục thủy tinh thể diễn ra nhanh chóng hơn. Bạn có thể bổ sung vitamin B2 từ các loại đậu, lạc, rau xanh, ngô….
Bài: Xuân Bảy - CDC Điện Biên