Hằng ngày, có thể bắt gặp không ít những chiếc xe dung tích dưới 50 phân khối mang biển kiểm soát AA lưu thông khá nhiều trên các tuyến đường, đặc biệt là vào những khung giờ cao điểm. Dù có dung tích thấp nhưng các loại xe này đều có thể di chuyển với tốc độ lên đến 80, 100 km/giờ. Trước đây, học sinh phần lớn đến trường bằng xe đạp hoặc được được phụ huynh đưa đón. Tuy nhiên với sự phát triển của xã hội, nhiều gia đình có điều kiện đã đầu tư cho con bằng việc sắm những chiếc xe máy điện, xe đạp điện. Cũng theo nghiên cứu về tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở lứa tuổi học sinh, trong số các TNGT liên quan tới nhóm học sinh Trung học Phổ thông, thì có tới 55% là do xe máy điện. Điều đó có nghĩa cứ 02 học sinh thì có 01 học sinh có xảy ra TNGT liên quan tới xe đạp điện và xe máy điện.

Theo các thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, vi phạm tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT ở lứa tuổi này. Ngoài ra còn có đi sai làn đường và không quan sát các phương tiện khác. Một số lỗi cơ bản khác mà học sinh THPT mắc phải như: 34% xe môtô không có gương chiếu hậu, với xe máy điện tình trạng này là 81% và với xe đạp điện là 90%. Điều khiển xe đạp điện, xe máy điện thế nhưng phần lớn học sinh khi được hỏi về luật giao thông lại không nắm vững. Ngoài việc không nắm rõ luật giao thông, thì yếu tố nhận thức cũng là nguyên nhân khiến nhiều học sinh gặp phải tai nạn. Tâm lý bốc đồng của tuổi mới lớn khiến các em cho rằng việc bốc đầu, lạng lách là một cách thể hiện cá tính riêng của mình. Từ đó nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, ảnh hưởng không chỉ chính người điều khiển phương tiện mà còn cả những người tham gia giao thông khác.

Lứa tuổi học sinh khi sử dụng phương tiện tham gia giao thông phải có kiến thức về Luật Giao thông đường bộ

Muốn giảm thiểu tai nạn giao thông, trước hết chúng ta phải nâng cao nhận thức cho không chỉ học sinh mà cả phụ huynh về an toàn giao thông. Các bậc phụ huynh cần dặn dò con em mình khi tham gia giao thông cần phải: Luôn đội mũ bảo hiểm; Thực hiện đúng Luật an toàn giao thông đường bộ khi tham gia giao thông; Chấp hành giao thông ở trước cổng trường; Khi đi tới trường học sinh cần vào trong trường không tụ tập ngoài cổng trường, khi tan học ra khỏi cổng trường cần quan sát đường, xin đường để sang bên đúng phần đường của mình và đi vào phần đường của mình không tụ tập ở cổng trường gây ùn tắc giao thông cho người đang tham gia giao thông; Không được đi dàn hàng 3, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu trước mũi xe máy, ô tô…

            Xử trí trong trường hợp bị tai nạn giao thông: Khi không may có tai nạn giao thông nặng xảy ra cần gọi cấp cứu 115. Không di chuyển nạn nhân trừ khi họ đang trong tình huống nguy hiểm. Nếu thấy nạn nhân không thở, thở bất thường, tiến hành ngay hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực). Nếu nạn nhân hôn mê và mũi, miệng có nhiều máu, chất nôn, nhẹ nhàng nghiêng đầu nạn nhân về một bên phòng khi máu, chất nôn tràn vào đường thở. Tìm và băng bó, cầm máu các vết thương: Chảy máu là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sốc, do đó bằng mọi cách bạn phải cầm máu bằng được cho nạn nhân. Tuyệt đối không di chuyển nạn nhân khi tình trạng chưa ổn định, chi gãy, cột sống tổn thương chưa được cố định; Không vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu bằng xe máy, xe đạp hay cõng lưng; Không cố lấy  những vật nhọn đang găm sâu vào cơ thể nạn nhân, đặc biệt ở bụng, ngực, đầu; Không ép tim khi có gãy xương ức, xương sườn, vết thương ngực hở.

           Về phía nhà trường cần tích cực tổ chức các lớp học an toàn giao thông, hướng dẫn học sinh các điều luật đảm bảo an toàn, cách điều khiển phương tiện giao thông đúng cách. Ngoài ra cần các biện pháp xử phạt nếu phát hiện học sinh vi phạm luật giao thông. Các ngành có liên quan cần tăng cường tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm truyền tải thông điệp về An toàn giao thông. Sự chung tay của cộng đồng sẽ giúp học sinh có ý thức tuân thủ luật pháp nói chung và Luật Giao thông nói riêng. Từ đó giúp giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn, mang lại bình yên cho những con đường đến trường.

Bài và ảnh: Hải Hậu - CDC Điện Biên