Quá trình lão hóa khởi đầu ngay từ khi chúng ta được sinh ra và diễn tiến ngày một nhanh khi tuổi càng cao. Khi hệ thống tim mạch bắt đầu lão hóa, các mạch máu sẽ giảm dần tính đàn hồi, gây xơ vữa mạch máu, khiến lòng mạch máu hẹp lại, tim phải hoạt động nhiều hơn để có thể cung cấp đủ máu để nuôi các tế bào, các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là não. Xơ vữa mạch máu khiến dòng chảy của máu tăng lên, áp lực chảy tăng lên, gây ra bệnh tăng huyết áp - một trong bệnh tim mạch ở người già thường gặp. Khi tim phải tăng cường hoạt động, đặc biệt là tăng sức và số lần co bóp sẽ dẫn đến hậu quả cuối cùng là suy tim. Các mạch máu bị xơ cứng và giảm dần sự đàn hồi khiến tim hoạt động cật lực hơn cả về sức co bóp lẫn tần số tim, tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ làm thành tim bị dày lên, trong khi các mạch máu (có cả động mạch vành tim) bị xơ vữa lại hẹp, sẽ dẫn đến thiếu máu cơ tim, nguy hiểm nhất là gây ra nhồi máu cơ tim.

Các dấu hiệu thường gặp như: Khó thở có thể là do vận động quá sức hoặc lo lắng về việc gì đó. Nhưng đôi khi khó thở là do chứng nghẽn mạch phổi do cục đông máu làm nghẽn mạch máu trong phổi hoặc đang lên cơn đau tim, trụy tim. Bệnh này rất nguy hiểm đến tính mạng, nó khiến người bệnh phải thở gấp do thiếu không khí hoặc cảm thấy rất khó chịu. Cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Đau thắt ngực: Là triệu chứng của thiếu máu và nhồi máu cơ tim. Người bệnh có cảm giác như bị đè nặng hoặc đau nhói. Nhiều lúc có cảm giác nóng rát, tức ngực, gây cảm giác khó thở. Cơn đau thường lan tỏa xuyên qua lồng ngực ra phía sau, lên phía hai vai hoặc dọc cánh tay. Ngoài ra, bệnh nhân thường thấy hồi hộp, hẫng, hụt hơi, mệt ở ngực kèm theo chóng mặt, hoảng hốt và những cơn đau tim nhẹ. Tăng huyết áp là một trong những bệnh tim mạch hay gặp ở người cao tuổi. Ở người trên 60 tuổi, tỉ lệ mắc tăng huyết áp là 1/3. Tăng huyết áp gây ra các biến chứng lên cơ quan đích: tim mạch, não, thận, mắt. Để lại hậu quả xấu nếu không được kiểm soát và ổn định. Suy tim: Tim bị suy yếu không bơm máu đến các cơ quan đầy đủ, người bệnh sẽ thấy mệt khi vận động. Ngoài ra, máu bị ứ lại ở phổi sẽ gây khó thở khi gắng sức, ứ lại ở gan gây đau ở sườn bên phải, ứ lại ở chân gây sưng phù mu bàn chân. Loạn nhịp tim: Các loại rối loạn nhịp tim đều gây triệu chứng tương tự nhau: hồi hộp, đánh trống ngực, đôi khi gây chóng mặt và ngất xỉu. Nếu tự sờ mạch ở tay hay cổ, người bệnh cũng có thể biết nhịp tim không đều. Để chẩn đoán rối loạn nhịp tim, cần phải đo điện tâm đồ. Ở người cao tuổi, bệnh có thể không có triệu chứng, nhiều khi rối loạn nhịp tim xảy ra thành từng cơn, do đó để chẩn đoán có thể cần phải gắn máy ghi điện tim liên tục cả ngày (gọi là máy Holter).

Nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch tăng lên cùng tuổi tác. Ảnh Bích Duyên

Bệnh tim mạch ở người cao tuổi có thể khắc phục và ngăn ngừa hoàn toàn bằng cách thay đổi lối sống nhất định. Những thay đổi sau đây có thể giúp đỡ bất cứ ai muốn cải thiện sức khỏe tim của họ: Ngưng hút thuốc lá: trong thuốc lá có chất nicotine có khả năng làm giảm oxy trong máu và tổn thương niêm mạc của các mạch máu. Vì thế, bạn nên bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ bệnh tim và biến chứng của nó. Thường xuyên kiểm soát huyết áp: mức huyết áp tốt nhất là dưới 120/80 (mm Hg), bệnh nhân nên đến bác sĩ thường xuyên để kiểm tra mức huyết áp của mình mỗi tháng đề phòng cao huyết áp. Kiểm soát bệnh tiểu đường: Kiểm soát bệnh tiểu đường bằng các, giảm lượng cholesterol,kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim. Tập luyện thể dục thể thao: bệnh nhân nên có thời gian tập luyện thể dục thể thao từ 30 đến 60 phút mỗi ngày và nhiều nhất các ngày trong tuần để chống lại tác nhân gây rối loạn nhịp tim. Đồng thời có thể duy trì một trọng lượng cân đối, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ăn thực phẩm lành mạnh: người nhà của người cao tuổi hoặc chính những người cao tuổi nên thực hiện chế độ ăn 2 bữa/ ngày với các loại trái cây, rau và ngũ cốc - và ít cholesterol bão hòa, chất béo và natri - có thể giúp kiểm soát cân nặng, huyết áp và cholesterol. Giảm căng thẳng cho người già: người cao tuổi nên giảm căng thẳng bằng việc thực hiện lối sống lành mạnh cho sự quản lý căng thẳng, chẳng hạn như thư giãn cơ bắp và hít thở sâu. Nếu gặp các triệu chứng như đau thắt ngực, suy tim, loạn nhịp tim. Người cao tuổi nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán kịp thời.

                                                                                                Bài: Xuân Bảy - CDC Điện Biên