Vi rút dại xâm nhập vào cơ thể từ nước bọt, rãi có chứa vi rút qua vết cắn, cào của động vật máu nóng như: là chó, mèo. Ngoài ra, vi rút dại cũng được phát hiện ở chồn, dơi ... Thời gian ủ bệnh có thể dưới 1 tuần hoặc từ 2 - 8 tuần cũng có khi trên 1 năm, thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus, sự nặng, nhẹ của vết thương và khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng gần hệ thần kinh trung ương như: Đầu, mặt, cổ… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Đa số các trường hợp tử vong do dại là chưa được tiêm phòng bệnh dại và không biết cũng như không được xử trí đúng cách như tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng vi rút dại ngay sau khi bị động vật, chó mèo nghi dại cào cắn. Bệnh dại khi phát bệnh sẽ có 2 thể chính gồm: thể viêm não và thể liệt:
Thể viêm não: Triệu chứng đầu tiên là sốt, đau nhức đầu, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió và ánh sáng. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ, dẫn đến suy kiệt, mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng và sẽ tử vong nhanh chóng.
Thể liệt: Xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn đại, tiểu tiện, khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong. Nên ngay sau khi bị chó mèo nghi dại cào, cắn, cần rửa kỹ tất cả các vết, cào, cắn trong vòng15 phút với nước xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt. Khi rửa vết thương cần lưu ý, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn. Sau đó đến ngay cơ sở tiêm phòng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại.
Để phòng chống bệnh dại người dân nên hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của Thú y, không được thả rông, chó đi dạo hoặc ra đường cần đeo rọ mõm, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn. Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, trong khi đang tiêm phòng. Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó, mèo ra, vào vùng dịch. Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại. Không chữa dại bằng thuốc nam hoặc thuốc lá. Khi bị chó, mèo cào, cắn phải xử lý theo các bước ở trên, tuyệt đối không vì tức giận mà đánh chết chó, mèo.
Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó, mèo) là biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả và hạn chế những cái chết thương tâm./.
Anh Sáu – CDC Điện Biên