Nguyên nhân gây thiếu vi chất dinh dưỡng: Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ là do trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa khiến quá trình hấp thu vi chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng hoặc những trẻ có hệ miễn dịch kém hay trẻ bị mắc bệnh khiến ăn uống không ngon miệng, gây chán ăn dẫn tới thiếu chất. Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất còn gặp ở những trẻ bị nhiễm ký sinh trùng (giun, sán). Bên cạnh đó, trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng còn do khẩu phần ăn kém đa dạng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị các vi chất dinh dưỡng.
Dấu hiệu trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng
- Vận động kém, rất nhanh mệt, lười và ít vận động, thường xuyên có biểu hiện quấy khóc, khó chịu trong người.
- Trẻ rất hay bị ốm vặt mỗi khi thời tiết thay đổi thất thường, sức đề kháng kém rất dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp, và tiêu hóa.
- Trẻ có dấu hiệu chậm phát triển về khả năng vận động và thể chất so với các cột mốc phát triển của trẻ. Cơ bắp trẻ mềm, nhão.
- Các vết thương ngoài da lâu lành hơn bình thường.
- Tóc thưa và khô ráp, móng tay trẻ rất dòn và dễ gãy...
Một số vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ:
Vitamin A: đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành tế bào và niêm mạc. Nếu thiếu Vitamin A lâu ngày dẫn tới suy giảm thị lực, khô mắt, khô giác mạc, làm hỏng giác mạc gây mù lòa vĩnh viễn. Ngoài ra, thiếu Vitamin A còn làm trẻ suy giảm hệ miễn dịch, chậm lớn, sừng hóa da.
Nhóm Vitamin B: Vitamin B1 là yếu tố cần thiết để chuyển hóa tinh bột và đường. Vitamin B2 có vai trò thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của tế bào. Vitamin B6 tham gia vào quá trình chuyển hóa protein, glucid, lipid. Vitamin B6, B9, B12 còn tham gia vào quá trình tạo máu nên thiếu các loại Vitamin này sẽ gây thiếu máu.
Vitamin D: giúp cơ thể hấp thu tốt Canxi và Phospho trong đường ruột, để hình thành và phát triển hệ xương, răng vững chắc cho trẻ. Nếu thiếu Vitamin D trẻ sẽ dễ bị còi xương.
Canxi: chiếm tới 98% trong hệ xương và răng của cơ thể nên rất cần thiết đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển chiều cao. Nếu trẻ được bổ sung không đủ Canxi hoặc Canxi không được hấp thu đủ vào cơ thể sẽ dẫn tới thấp còi, chậm lớn… Ngoài ra, Canxi còn giúp tăng cường chức năng hệ miễn dịch, ổn định hệ thần kinh… Do đó khi thiếu Canxi trẻ hay khóc đêm, đêm ngủ hay giật mình, bị chuột rút…
Kẽm: tham gia vào thành phần cấu tạo của hơn 300 Enzym trong cơ thể. Các Enzym này tham gia vào quá trình tổng hợp và phân giải Protein và Axit nucleic - là những thành phần không thể thiếu của sự sống. Không những thế, Kẽm còn giúp kích thích vị giác làm tăng cảm giác ngon miệng cho trẻ, tăng khả năng hấp thu, tăng cường đề kháng, giúp trẻ phát triển chiều cao và trí tuệ. Nếu thiếu Kẽm sẽ làm ảnh hưởng đến vị giác khiến trẻ ăn không ngon và dẫn đến chán ăn, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí tuệ và giảm tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Iốt: là vi chất dinh dưỡng quan trọng trong quá trình tổng hợp Hormon tuyến giáp để giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt, phát triển hệ xương, đặc biệt là quá trình phát triển của não và hệ thần kinh của trẻ. Trẻ bị thiếu Iốt trong thời gian dài sẽ dẫn tới bị đần độn, học kém, chậm lớn, bướu cổ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động của trẻ.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh Dưỡng, để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cần:
1. Sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều lợi thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; Khuyến khích lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
2. Cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ cùng với thức ăn bổ sung hợp lý đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
3. Sử dụng các thực phẩm dàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng hấp thu vitamin A. vitamin D.
4. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A.
5. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.
6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/ axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
 
Thúy Lan - CDC Điện Biên