Bệnh lao lây qua đường không khí khi người mắc lao phổi ho, hắt hơi, khạc nhổ đờm dãi hoặc nói chuyện khiến vi khuẩn lao phát tán ra môi trường không khí. Người lành hít phải có thể bị nhiễm lao hoặc mắc lao. Các triệu chứng nghi lao phổi điển hình bao gồm: Ho kéo dài hơn 2 tuần, có thể là ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Có thể kèm các dấu hiệu: Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi “trộm” về đêm; đau ngực, đôi khi khó thở.

Bệnh lao có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên những đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc lao hơn: Người tiếp xúc gần, thường xuyên với bệnh nhân lao phổi (người tiếp xúc trong hộ gia đình, nhân viên y tế, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm tiếp xúc với bệnh nhân lao thường xuyên; Người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mán tính, hen, suy thận mãn tính, bụi phổi…; Người suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như ung thư, người nhiễm HIV, điều trị corticoid…; người cao tuổi, nghiện rượu, hút thuốc lá, thuốc lào, người đã có tiền sử điều trị lao. Những người khi phát hiện có dấu hiệu nghi mắc lao hoặc thuộc các nhóm nguy cơ mắc bệnh lao, cần đến các trạm y tế xã, phường hoặc Trung tâm y tế, Bệnh viện huyện hoặc Bệnh viện Phổi tỉnh để được khám, chỉ định các xét nghiệm cần thiết để sàng lọc chẩn đoán bệnh lao như chụp Xquang, xét nghiệm đờm…

Người mắc bệnh lao cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của cán bộ y tế trong quá trình điều trị, bao gồm: Dùng phối hợp các thuốc chống lao, uống thuốc đúng liều, đều đặn và đủ thời gian quy định; Không tự ý ngừng, thêm hoặc đổi thuốc; Thông báo ngay cho cán bộ y tế khi thấy có những biểu hiện bất thường như buồn nôn, nôn, ù tai, vàng da, chán ăn…; Tái khám đúng hẹn và làm đủ các xét nghiệm trong quá trình điều trị; Thông báo cho cán bộ y tế kế hoạch di chuyển hoặc thay đổi nơi ở để có định hướng tiếp tục điều trị phù hợp; Thực hiện các biện pháp phòng lây bệnh cho người xung quanh; Cần chú ý ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt điều độ để nâng cao sức đề kháng với bệnh lao; Không hút thuốc lá, uống rượu bia.

Để chủ động phòng bệnh lao hiệu quả, trẻ em sinh ra cần được tiêm vác xin phòng lao BCG sơ sinh và các loại vác xin phòng bệnh khác theo lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng của bộ y tế./.

BBT