Chương trình phòng, chống bệnh tăng huyết áp cho người dân được khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tổ chức tại xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên).
Số liệu ước tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có 79.000 bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, 18.000 bệnh nhân mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, thực tế được phát hiện thông qua hoạt động tầm soát bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng là 18.078 bệnh nhân tăng huyết áp (chiếm 22,9%), 3.251 bệnh nhân đái tháo đường (chiếm 18%). Trong đó, 15.983 bệnh nhân tăng huyết áp, 3.245 bệnh nhân đái tháo đường đang được quản lý điều trị tại các cơ sở y tế và trạm y tế xã. Đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, tổng số bệnh nhân được phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh là 1.418 người; trong đó tổng số bệnh nhân đang quản lý điều trị tại các cơ sở y tế là 1.016 người… Qua đó cho thấy, số bệnh nhân được quản lý tại cơ sở y tế rất thấp so với số lượt người được phát hiện bệnh hàng năm.
Để giúp người dân kịp thời phát hiện bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng, Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm đã triển khai chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm bằng việc tổ chức các đợt khám sàng lọc ở các xã trên địa bàn tỉnh (chủ yếu tập trung ở một số xã điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá đi lại khó, xa cơ sở y tế); tổ chức quản lý, điều trị cho người mắc bệnh không lây nhiễm; triển khai hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống bệnh không lây nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách của trung tâm y tế, trạm y tế về hướng dẫn dự phòng, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh không lây nhiễm; hướng dẫn xây dựng kế hoạch hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm…
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, các hoạt động này đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Về kinh tế xã hội, Điện Biên có địa bàn rộng, môi trường sống và tình hình dịch tễ có nhiều phức tạp; trình độ dân trí thấp, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đói nghèo gắn liền với bệnh tật ở nhiều vùng dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư đa sắc thái văn hóa và ngôn ngữ, khó khăn khi tiếp cận để truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, thói quen và thực hiện các dịch vụ y tế. Thậm chí, ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân không có điều kiện để tiếp cận với các dịch vụ y tế… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình quản lý, điều trị cho người bệnh trên địa bàn. Không chỉ phía người dân, ngay với cả với các cấp chính quyền, đoàn thể các địa phương, việc phòng, chống bệnh không lây nhiễm vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng vẫn chưa được đẩy mạnh và hiện chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của ngành Y tế.
Trong khi số bệnh nhân đang gia tăng tỷ lệ thuận theo thời gian thì nguồn kinh phí cấp cho hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm lại ngày càng hạn hẹp, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động chuyên môn. Công tác khám sàng lọc chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và dân số được triển khai theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương, đến nay đã hết giai đoạn 2016 - 2020 và chưa có định hướng mới; nguồn kinh phí Trung ương không có nên phụ thuộc hoàn toàn vào kinh phí địa phương… Việc vận động chính sách gặp khó khăn và rất khó huy động nguồn lực vì nhận thức của các ngành chức năng về gánh nặng bệnh tật và gánh nặng kinh tế của các bệnh không lây nhiễm chưa đầy đủ. Do những khó khăn về kinh phí dẫn đến công tác phát hiện sớm, quản lý, tư vấn và dự phòng cho người nguy cơ cao chưa được triển khai một cách hệ thống, rộng khắp các tuyến. Tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện sớm qua sàng lọc chủ động còn thấp.
Ngoài ra, nguồn lực tuyến xã còn yếu và thiếu, một số trạm y tế mới chỉ dừng lại ở khâu tư vấn, khám phát hiện. Báo cáo của Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm cho thấy, toàn tỉnh hiện chỉ có 121/129 trạm y tế khám chữa bệnh tăng huyết áp; 7/129 trạm y tế thực hiện điều trị đái tháo đường, 86/129 trạm y tế quản lý bệnh phổi tắc nghẽn, 75/129 xã quản lý bệnh hen phế quản... Riêng đối với các bệnh không lây nhiễm khác, như: Ung thư, tâm thần phân liệt, động kinh… có tỷ lệ bệnh nhân được quản lý tại các trạm y tế rất thấp bởi cán bộ trạm chưa được tập huấn về dự phòng, thiếu trang thiết bị cho chẩn đoán và điều trị.
Để hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, cần có sự vào cuộc và quan tâm của các ban, ngành đoàn thể, chính quyền; nhất là có kế hoạch và bố trí kinh phí để tăng cường triển khai các hoạt động về phòng chống bệnh không lây nhiễm, thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế, mua sắm máy móc, trang thiết bị cũng như hoạt động giám sát công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Theo Minh Thảo/BAODIENBIENPHU.COM.VN