Hút thuốc thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc chứa hàng nghìn các hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất độc hại. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em.Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, phụ nữ mang thai tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân.Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.         

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Số người chết vì khói thuốc nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. Thống kê cho thấy, trong thế kỷ 20, thuốc lá đã giết chết 100 triệu người, và WHO cũng cảnh báo, nếu không thực hiện ngay những biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả, thì số người chết hàng năm do thuốc lá có thể tăng lên hơn 8 triệu vào năm 2030, và thế kỷ 21 số người chết vì thuốc lá sẽ có thể lên tới 1 tỷ người.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Trong khói thuốc lá có hơn 7000 hóa chất, trong đó có khoảng 69 chất gây ung thư đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, người già và phụ nữ. Những chất độc này gây ra hậu quả trên hầu hết tất cả các cơ quan của cơ thể. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hút thuốc lá thụ động gây chết sớm và bệnh tật ở trẻ em và người lớn không hút thuốc lá. Khói thuốc lá liên quan đến 90% số ca bệnh ung thư phổi, 75% số ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% số ca bệnh tim do thiếu máu cục bộ. Các chất độc trong khói thuốc lá còn gây ra các bệnh lý khác như rụng tóc, đục thủy tinh thể, viêm nướu răng, ung thư miệng, viêm loét dạ dày - tá tràng, bất lực, sinh non, xảy thai, tuyến tắc mạch các chi…. Phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động chiếm tỷ lệ tới 80%, còn trẻ em là 50%, Trẻ em phơi nhiễm khói thuốc thụ động có nguy cơ gia tăng hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, bị các bệnh về tai, hen suyễn nặng hơn, khói thuốc lá làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Con của những người hút thuốc thường có khó khăn trong nhận thức, rối loạn hành vi và giảm khả năng học tập. Người hút thuốc thụ động có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn những người không hít phải khói thuốc. Theo nghiên cứu, những người không hút thuốc mà kết hôn với người hút thuốc, tỷ lệ chết vì ung thư phổi cao hơn 20% so với người kết hôn với người không hút thuốc.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc mà người hút phả ra. Theo đó, lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên ở trong môi trường chứa khói thuốc có thể hít vào lượng khói tương đương với hút 5 điếu thuốc một ngày. Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng sẽ hấp thụ số lượng hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày.

Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013, trong đó quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Sau gần 10 năm thực hiện Luật đã có những sự thay đổi tích cực như tình trạng hút thuốc lá thụ động ở các địa điểm công cộng đã giảm tuy nhiên vẫn còn có những trường hợp người dân ý thức chưa cao.

Giải pháp giúp ngăn ngừa phơi nhiễm với khói thuốc là phải tạo môi trường sống không khói thuốc. Để làm được điều đó trước hết người hút thuốc lá chủ động phải cố gắng tự giác bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt. Những người hút thuốc lá phải có ý thức hút thuốc bên ngoài không gian sống của gia đình, ngoài những địa điểm công cộng đã được quy định cấm hút thuốc lá, và đặc biệt là tránh xa trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già. 

Bên cạnh sự quyết tâm của chính bản thân những người hút thuốc lá thì người thân và cộng đồng cũng cần tích cực hơn nữa trong việc thuyết phục, tuyên truyền, vận động những người này tuân thủ theo đúng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Hãy bỏ thuốc lá trước tiên vì chính sức khỏe của bản thân và gia đình họ, rộng hơn nữa là cho cộng đồng./.