Hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6/2023) và Ngày quốc tế - Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6/2023)
Phòng, chống ma túy học đường để bảo vệ thế hệ tương lai
Hiện nay, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tội phạm ma túy. Điều này tiềm ẩn những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tương lai của trẻ em.
Học sinh là những đối tượng mới lớn, đang trong độ tuổi phát triển và hoàn thiện nhân cách, tâm lý chưa ổn định, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bạn bè cùng lứa tuổi, chủ quan, dễ dao động, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, trải nghiệm những cái mới và thể hiện bản thân. Vì vậy, học sinh dễ dàng trở thành đối tượng mà tội phạm ma túy muốn hướng đến. Không những thế, lợi dụng sự phát triển của internet, tội phạm sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube… để quảng cáo, môi giới, buôn bán ma túy và tổ chức sử dụng ma túy. Việc thường xuyên truy cập vào các nội dung xấu, độc hại trên mạng xã hội vô hình chung sẽ tác động không nhỏ đến tư duy của giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng và khiến nhận thức của các em bị méo mó, lệch lạc. Từ đó, các em dễ dẫn đến hành vi sai lầm và đi theo con đường trở thành tội phạm ma túy lúc nào không hay.
Mặt khác, không ít bậc phụ huynh mải mê làm ăn mà quên đi việc nắm bắt tâm tư tình cảm, uốn nắn con cái trong quan hệ tiếp xúc bạn bè, cũng như định hướng về hành vi, lối sống. Thậm chí có gia đình do áp lực cuộc sống, mâu thuẫn hôn nhân, cha mẹ thường xuyên cãi vã, nóng giận, trừng phạt con cái nặng nề cũng khiến các em nảy sinh ý thức chống đối, chán nản và dễ sa vào ma túy.
Về phía nhà trường, thường xuyên tại một số cơ sở đào tạo, việc quản lý, tổ chức hoạt động phòng, chống ma túy đặc biệt trong công tác truyền thông chưa được đầu tư chiều sâu, chưa thực sự phát huy vai trò chủ động của học sinh.
Hậu quả của ma túy rất khôn lường, tác động trực tiếp đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của chính các em. Ma tuý làm làm mất khả năng lao động, học tập, làm thần kinh người nghiện tổn hại. Dùng ma tuý quá liều còn có thể dẫn đến cái chết. Dùng chung bơm kim tiêm không tiệt trùng khi tiêm chích ma tuý tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm viêm gan vi rut B, C, đặc biệt là HIV. Ma túy làm thoái hoá nhân cách, rối loạn hành vi, lối sống buông thả, dễ vi phạm pháp luật, mâu thuẫn và bất hoà với bạn bè, thầy cô giáo và gia đình. Ma túy làm mất lòng tin với mọi người, từ đó, dễ bị người khác lợi dụng, học tập giảm sút hoặc bỏ học, ảnh hưởng đến tương lai và tiền đồ của các em.
Tỉnh Điện Biên là được xác định là địa bàn điểm nóng về ma túy khu vực Tây Bắc. Hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy tại Điện Biên vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong năm qua, ngành giáo dục đào tạo tỉnh đã tập trung triển khai nhiều hoạt động tích cực trong học đường như: Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về tác hại, sự nguy hiểm của ma túy, HIV/AIDS đến đông đảo học sinh sinh viên; lồng ghép vào các chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa, hội thi và hội diễn văn nghệ có chủ đề về phòng, chống ma túy nhằm từng bước đẩy lùi ma túy ra khỏi môi trường học đường.
Để hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy (6/2023)” và “Ngày quốc tế - Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6/2023)”, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai, tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông phòng, chống ma túy; Phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống ma túy; Huy động lực lượng, phương tiện tổ chức tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy trên địa bàn toàn tỉnh.
Cụ thể, tập trung tuyên truyền sâu rộng tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và khu dân cư, nhất là các đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy.
Mỗi trường học phải trở thành “lá chắn thép”, trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cũng như sức đề kháng để tự bảo vệ bản thân trước tội phạm ma túy. Ngoài các biện pháp tuyên truyền ngăn chặn ma túy “từ sớm, từ xa”, nhà trường cũng cần khuyến khích các em chủ động phát hiện, tố giác các hoạt động liên quan đến ma túy. Chỉ khi có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, xã hội, gia đình và bản thân học sinh mới tạo nên một sức mạnh thống nhất, bền chặt giúp đẩy lùi nguy cơ tệ nạn ma túy xâm nhập vào môi trường học đường, góp phần bảo vệ và thúc đẩy thế hệ tương lai phát triển lành mạnh./.
Hải Hậu – CDC Điện Biên