Khói thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho trẻ em
Theo các bác sĩ ở bệnh viện Nhi Trung ương, khi người lớn trong gia đình không hút thuốc lá ngay trong nhà mà hút ở ngoài môi trường hay các nơi công cộng thì trẻ em vẫn phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Lý do là bởi vì lượng khói thuốc vẫn còn tồn dư tích tụ trong cơ thể người hút thuốc, khi người hút thuốc thở ra thì luồng hơi đó vẫn còn chứa nhiều chất độc hại trong khói thuốc. Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng không hút thuốc ở nhà thì người trong gia đình sẽ không hít phải khói thuốc thụ động, nhưng thực tế đã có rất nhiều trẻ em nhập viện vì viêm phổi do phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động, dù người trong gia đình không trực tiếp hút thuốc lá trước mặt các em.
Khói thuốc lá gây cản trở sự phát triển của bào thai, làm giảm ô xy huyết trong bào thai vì khí các-bon mô-nô-xít và ảnh hưởng co giãn mạch của nicôtin, thiếu khí ôxy, giảm lượng máu tới tử cung, giảm a xít amin qua nhau thai tới bào thai và gây ra sự không bình thường ở màng của nhau thai và giảm lượng kẽm sẵn có (khoáng chất cần thiết để phát triển).
Phụ nữ hút thuốc nhiều trong thời gian mang thai, thì cân nặng của trẻ khi sinh thường nhẹ cân hơn mức trung bình xấp xỉ 200 - 250g so với trẻ mới sinh của phụ nữ không hút thuốc. Trẻ hít phải khói thuốc lá thụ động sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến phổi. Một số triệu chứng thường gặp như cảm lạnh, cúm, ho, có đờm, khó thở, viêm phổi… Nếu thường xuyên sống chung với khói thuốc lá trẻ sẽ mắc bệnh hen suyễn và một số bệnh hô hấp mãn tính.
Thuốc lá có thể gây đột tử: Nicotine trong khói thuốc lá có thể dẫn đến các triệu chứng khó thở dẫn đến đột tử ở trẻ. Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng, khói thuốc lá có thể gây hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Những đứa trẻ sống trong môi trường gần khói thuốc thụ động, sau khi sinh ra có nhiều khả năng chết vì SIDS hơn những đứa trẻ không ở gần khói thuốc thụ động. Khói thuốc lá có khả năng hạn chế cung cấp oxy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động, gây rối loạn nhịp thở và nhịp tim ở trẻ, do đó làm tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ em lên nhiều lần.
Tác hại của thuốc lá đối với hệ thần kinh: Não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện nên nếu hít phải khói thuốc thì sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh. Tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kỹ năng lập luận, kỹ năng nhận thức ở trẻ cũng như suy giảm chức năng nhận thức, giảm trí nhớ, gặp các rắc rồi về hành vi, chứng hiếu động thái quá.
Tỷ lệ mắc và mức độ nặng của bệnh hen: Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn và nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ là thành viên trong gia đình cha mẹ không hút thuốc.
Viêm tai giữa cấp và mạn tính: Tiếp xúc với khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tai mạn tính và tiết dịch tai giữa. Viêm tai giữa gây điếc và gây nên gánh nặng về kinh tế cho gia đình và cuộc đời của những đứa trẻ.
Có thể thấy rằng tác hại của thuốc lá đối với trẻ em là rất lớn đối với sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường không khí trong sạch và lành mạnh. Vì một cộng đồng không khói thuốc và vì sức khỏe của mỗi người, chúng ta nên: Không hút thuốc lá trong nhà, nơi làm việc. Không hút thuốc lá nơi công cộng. Không hút thuốc lá trước mặt trẻ em. Hãy để trẻ em được phát triển bình thường và khỏe mạnh trong môi trường không khói thuốc./.
Hải Hậu - CDC Điện Biên