Ảnh minh họa

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), năm 2023, phát hiện, xử lý 439 vụ với 516 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, liên quan đến thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy, công an cả nước phát hiện, bắt giữ, khởi tố 35 vụ với 83 bị can; xử lý 24 vụ, 31 đối tượng liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy.

Trước đây, thuốc lá điện tử có chứa ma túy chủ yếu được sản xuất ở nước ngoài và nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ với số lượng không lớn, chủ yếu qua đường xách tay. Nhưng thời gian gần đây, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng nhập lậu tách lẻ các bộ phận, các chất riêng lẻ kể cả ma túy về nước. Sau đó, tổ chức pha chế, sản xuất thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy và rao bán tại thị trường Việt Nam. Đáng lưu ý, trong khoảng thời gian ngắn, trong nước liên tiếp xảy ra các vụ việc phát hiện ma túy trong thuốc lá điện tử, thậm chí, còn triệt phá được đường dây mua bán, pha chế thuốc lá điện tử chứa ma túy với quy mô hàng nghìn điếu.

Thời gian vừa qua, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện chất ma túy MDMB-BUTINACA có chứa trong các lọ tinh dầu thuốc lá điện tử. Đây là chất ma túy mới và vừa được bổ sung kịp thời tại Nghị định 90/2024/NĐ-CP ngày 17/7/2024 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Phương thức sản xuất các mẫu vật có chứa chất MDMB-BUTINACA là hoà tan chất này trong tinh dầu thích hợp để bơm vào thuốc lá điện tử hoặc phun tẩm lên các sợi thực vật khô và được sử dụng qua đường hút. Khi đi vào cơ thể, chất này có tác dụng kích thích thần kinh trung ương và gây ảo giác mạnh làm cho người sử dụng bị lệ thuộc, bị nghiện.

          Vừa qua, lực lượng công an ở Hà Nam, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... đã phát hiện, xử lý một số vụ có số lượng lên đến hàng trăm nghìn sản phẩm. Ngoài ra, lực lượng công an toàn quốc cũng đã khám phá ra nhiều vụ các đối tượng sản xuất, mua bán cốt CBD (có chứa cần sa tổng hợp) để bơm, tiêm vào thuốc lá điện tử.

Vì thế, lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy của Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển  tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức phát hiện, điều tra triệt xóa các băng nhóm, tổ chức tội phạm ma túy lợi dụng việc mua bán thuốc lá điện tử để phạm tội về ma túy; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ TT&TT phát hiện, xử lý các đối tượng lợi dụng tổ chức mua bán thuốc lá điện tử có chất ma túy trên không gian mạng, qua các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram…).

Trước tình hình đó, với phương châm "chủ động phòng ngừa là căn bản", chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng, nhà trường và gia đình cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, vận động các em học sinh, thanh thiếu niên nâng cao hiểu biết pháp luật và sự nguy hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử có pha tẩm ma túy đối với sức khỏe. Qua đó giúp các em chủ động phòng ngừa, không sử dụng thuốc lá điện tử, các chất ma túy, chất gây nghiện và tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm./.

Hải Hậu – CDC Điện Biên