Theo thống kê, Việt Nam đang nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,6 triệu người chiếm 22,5% dân số. Ước tính mỗi năm có khoảng 104.300 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó hút thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong và hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Sử dụng thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch và hô hấp, hơn 20 loại ung thư và nhiều bệnh tật nghiêm trọng khác. Hầu hết trường hợp tử vong do hút thuốc nằm ở nhóm nam giới đang trong độ tuổi sung sức.
Một trong những lý do khiến tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam còn cao, theo các chuyên gia, do giá bán của thuốc lá quá rẻ, chỉ với 15.000 đồng một bao, và mức thuế đối với thuốc lá còn thấp. Mặt khác, thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua hơn khi thu nhập của người dân tăng lên. Giá thuốc lá đang ngày càng rẻ đi tương đối so với các mặt hàng khác. Tình hình kinh doanh của ngành thuốc lá vẫn khả quan, tăng trưởng trong giai đoạn dài. Các chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ cho thấy tình hình kinh doanh thuốc lá vẫn tăng trưởng tốt trong 10 năm vừa qua. Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 6,24 triệu bao thuốc lá(dân số 100 triệu người) thu được 716 triệu USD/năm.
Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá thuốc lá bán lẻ ở Việt Nam chiếm 38,8% - thấp hơn so với khuyến cáo của WHO là 70-75%. Việc tiếp cận thuốc lá dễ dàng nên việc phòng chống tác hại thuốc lá càng khó khăn. Theo WHO, khi giá thuốc lá tăng trung bình 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao; 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.
Theo các chuyên gia, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ quan trọng nhằm kiểm soát tỷ lệ sử dụng mặt hàng này. Thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ đóng vai trò trong việc kiềm chế tỷ lệ tiêu dùng mà còn tạo ra một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước. Tăng thuế thuốc lá mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Thứ nhất, tăng thu cho ngân sách: WHO và Ngân hàng Thế giới đều khẳng định đánh thuế giúp giảm tiêu thụ thuốc lá, tăng nguồn thu từ thuế. Chính phủ có thể sử dụng nguồn thu từ thuế thuốc lá để phục vụ các quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng. Thứ hai, giảm tỷ lệ người hút: Tại Điều 6 trong Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá có các hướng dẫn về triển khai chính sách thuế. Thông điệp là thuốc lá và sản phẩm từ thuốc lá phải bán ở mức cao để người dân không có tiền mua, giảm tiêu thụ, thế hệ trẻ được bảo vệ trước thuốc lá. Thứ ba, giảm sự mất mát lớn do thuốc lá: Các vấn đề như số người chết do bệnh lý liên quan thuốc lá, mất tiền do người dân tử vong sớm, dành quá nhiều tiền cho mua thuốc lá…hoàn toàn có thể giảm bớt khi chính sách thuế đủ mạnh.
Nhìn ra các quốc gia trong khu vực, Philippines là một ví dụ thành công về tăng thuế thuốc lá mà Việt Nam có thể học hỏi. Từ năm 2013, quốc gia này đã tăng thuế thuốc lá một cách đều đặn và tái đầu tư nguồn thu vào các chương trình y tế công cộng. Kết quả, tỷ lệ hút thuốc giảm từ 27% xuống 19,5% sau vài năm, đồng thời doanh thu từ thuế tăng mạnh, đạt 2,9 tỷ USD vào năm 2022. Điều này cho thấy tăng thuế cần lộ trình rõ ràng và sự tái đầu tư hợp lý vào các chương trình chăm sóc sức khỏe và phòng chống tác hại thuốc lá. Vì vậy, tăng thuế thuốc lá thực hiện càng sớm giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội./.
Hải Hậu - CDC Điện Biên